Thị trường hóa kinh doanh xăng dầu: Không thể bước giật lùi!

05:03 CH @ Thứ Tư - 24 Tháng Ba, 2010

Cập nhật: 15:12:00 24/3/2010

Sáng nay (24/3), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến về việc việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu theo tinh thần Nghị định 84/2009/NĐ-CP.

Trong buổi tọa đàm trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ

CôngThương - Tọa đàm có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, bà Nguyễn Thanh Hương- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính, ông Bùi Ngọc Bảo- Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam.

Chính phủ có quyền điều tiết giá xăng dầu

Trả lời câu hỏi vì sao Nghị định 84/2009/NĐ-CP đã trao quyền tự quyết định giá xăng dầu, nhưng ngày 22/3 mới đây Bộ Tài chính vẫn có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp (DN) chưa tăng giá bán lẻ mặt hàng này, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết: “Nói rằng Nhà nước trao quyền quyết định giá xăng dầu cho doanh nghiệp là hoàn toàn chưa chính xác. Vì theo Nghị định 84, DN có một phần quyền quyết định giá xăng dầu. Nhưng tại mục a, khoản 1 điều 26 Nghị định 84 có quy định: Giá xăng dầu được quyết định theo giá thị trường có sự quản lý của nhà nước. Mà sự quản lý của Nhà nước được thể hiện ở nhiều điều khoản dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có quy định nguyên tắc, thời điểm, mức độ, phương pháp thay đổi giá…Văn bản Bộ Tài chính vận dụng quy tắc này. Cụ thể ở mục c, khoản 3 điều 27 trong Nghị định 84 có quy định: Khi giá thị trường có thể tác động tới các chỉ tiêu kinh tế- xã hội, Chính phủ có quyền điều tiết việc tăng giảm giá của doanh nghiệp.

Thứ trưởng cũng cho biết thêm, trong trường hợp vì chưa tăng giá mà DN thua lỗ, trước hết DN phải tiết giảm chi phí, nhưng nếu tiếp tục thua lỗ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh thì DN báo cáo Liên bộ Tài chính- Công Thương để có biện pháp xử lý hợp lý.

Giá xăng trong nước có cao hơn giá xăng thế giới hay không, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú giải thích: Chúng ta hay lẫn 2 khái niệm xăng với dầu. Tuy có cùng nguồn gốc nhưng đây là 2 mặt hàng khác nhau. Lấy xăng làm ví dụ, từ khi Nghị định 84 có hiệu lực (15/12/2009) đến nay, xăng chỉ điều chỉnh 3 lần, 1 lần giảm, 2 lần tăng. Nếu lấy ngày 15/12/2009 làm mốc, giá bình quân mặt hàng xăng thế giới 30 ngày trước đó là 79,576 USD/thùng tới ngày 14/1 tăng giá lần đầu, lúc đó giá bình quân 30 ngày là 82,026 USD/thùng. Như vậy, trong khi giá xăng thế giới khi đó tăng 3%, doanh nghiệp tăng từ 15.950 lên 16.400 đồng/lít, chỉ tăng 2,8%.

Tương tự như vậy, từ 14/1 đến 24/1, giá thế giới tăng 3,9%, giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 3,6%. Vì thế, dư luận cho rằng giá xăng trong nước tăng cao hơn giá thế giới là không đúng.

Bà Nguyễn Thanh Hương- Cục phó Cục Quản lý Giá- giải thích thêm: Tôi xin đính chính lại, đúng là 5 lần điều chỉnh, nhưng tùy từng mặt hàng, đối với mặt hàng xăng chỉ có 3 lần điều chỉnh: 2 lần 1 tăng, 1 giảm. Cơ quan chúng tôi, với chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao cùng với Bộ Công Thương giám sát DN điều chỉnh giá thì chúng tôi đã lấy ý kiến Bộ Công Thương, kể cả Vụ Thị trường trường nước và Cục quản lý cạnh tranh và đi đến thống nhất là sự điều chỉnh là hợp lý. Chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo 2 bộ chấp nhận phương án giá DN điều chỉnh.

Trước ý kiến cho rằng tăng giá vào dịp sau tết là nhạy cảm, ảnh hưởng đến tâm lý người dân, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú trả lời: Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể. Trong nền kinh tế thị trường thì thị trường quyết định giá, doanh nghiệp có quyền thay đổi giá theo tín hiệu thị trường. Tất nhiên, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì có sự điều tiết của Nhà nước. Đứng ở góc độ này, thì sẽ thấy các lần tăng giá xăng dầu vừa qua là đúng quy trình và đúng mức độ cho phép. Còn về thời điểm, cá nhân tôi cho rằng, việc chọn ngày đầu tiên đi làm sau một kỳ nghỉ Tết dài để tăng giá, đứng dưới góc độ nào đó quả là chúng ta chưa “nhạy cảm”. Vì phải hiểu là chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa lâu, người dân chưa thực sự quen với việc xác định giá theo thị trường, đặc biệt là giá xăng dầu được giữ rất lâu và tự do hóa theo lộ trình chậm hơn các mặt hàng khác. Nhưng chúng ta sẽ phải làm quen với việc điều chỉnh này. Trong một năm, có rất nhiều thời điểm được đánh giá là nhạy cảm, sau Tết sẽ đến các ngày lễ, chẳng hạn như ngày 8/3, rồi 30/4… Như vậy, chúng ta không thể lấy lý do này để ngăn cản các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh một cách hợp pháp và thu lợi nhuận một cách hợp pháp.

Với câu hỏi, giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế như vận tải và đến cả đời sống người dân, bà Nguyễn Thanh Hương cho rằng: “Chúng ta cần quen dần với cơ chế thị trường có quản lý nhà nước. Trước đây nhà nước giữ giá trong thời gian dài hơn nên mức độ mỗi lần điều chỉnh có thể cao hơn, còn hiện nay, doanh nghiệp điều chỉnh với tần suất ngắn với mức độ thấp hơn. Đúng là giá xăng dầu có tác động trực tiếp cũng như gián tiếp tới nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, mức độ tăng giá của doanh nghiệp rất thấp, cho nên ảnh hưởng không lớn, như việc tăng giá xăng 590 đồng/lít chỉ tác động làm tăng chỉ số CPI 0,01%. Còn tác động tới người tiêu dùng thì cá nhân đi xe máy thì 1 tháng, việc chi tiêu cho xăng dầu cũng không nhiều, khoảng từ 10.000- 15.000 đồng. Nếu chúng ta kéo giãn thời gian điều chỉnh dài hơn nữa thì tần suất điều chỉnh, mức giá điều chỉnh sẽ lớn hơn nên mức tác động tới CPI và nền kinh tế sẽ lớn hơn”.

Bổ sung câu hỏi trên, Thứ trưởng Tú trả lời: “Nói về xăng dầu thì đúng là mặt hàng nhạy cảm, nhưng trong nền kinh tế của chúng ta không chỉ có xăng dầu là nhạy cảm. Tôi xin lấy ví dụ là gạo. Nếu không có gạo ăn thì tác động cũng rất lớn, nhưng chúng ta đã quen dần với giá gạo theo thị trường từ lâu, chúng ta không cảm thấy sốc. Và chúng ta phải quen với giá xăng dầu như giá gạo… Chúng ta đừng lấy những sự tăng giá nho nhỏ để nói là có tác động lớn, mà quên rằng những lần điều chỉnh lớn đã được nhà nước điều tiết”.

Quy định trong Nghị định 84, cứ cách 10 ngày DN được quyền tăng giá có phải là mật độ khá dày hay không? Thứ trưởng Tú cho rằng: Nghị định 84 đã trù liệu được vấn đề này trong tiết d khoản 1 điều 26. Còn dày hay không thì không thể đánh giá một cách cảm tính mà phải nhìn vào thực tiễn diễn ra. Kể từ ngày 15/12/2009 khi Nghị định 84 có hiệu lực cho đến ngày hôm nay, DN mới thay đổi giá có 2 lần, bình quân 1 tháng rưỡi mới tăng giá 1 lần. Cụ thể hơn nữa, từ lần tăng giá thứ nhất (ngày 14/1) đến lần tăng giá thứ hai (21/2) là 38 ngày. Như vậy, 10 ngày quy định trong Nghị định 84 chưa khi nào bị doanh nghiệp lợi dụng. Đừng quên là theo tiết a, khoản 1 điều 26, Nghị định 84, nhà nước giám sát doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp làm sai sẽ có xử lý, kể cả xử phạt. Nhưng đến giờ này Nhà nước chưa xử lý vì doanh nghiệp chưa vi phạm. Còn nâng lên 20 ngày hoặc 30 này thì cũng là để tăng khả năng quản lý của nhà nước lên, chúng ta có quyền làm vậy nếu doanh nghiệp lợi dụng quy định 10 ngày. Nhưng theo tôi thì điều này chưa cần thiết bởi những lý do ở trên.

Khẳng định Petrolimex không độc quyền

Cũng tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú một lần nữa khẳng định, Petrolimex không độc quyền, Petrolimex nằm dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Thứ trưởng nói: “Chưa bao giờ DN này có thể sử dụng quyền, lợi thế của mình để gây ảnh hưởng tới cạnh tranh thị trường. Ngoài ra chúng ta có Luật Cạnh tranh, mọi hành động cạnh tranh không công bằng đều bị xử phạt. Chúng ta, từ trước tới nay chưa phải sử dụng tới do chưa có doanh nghiệp nào vi phạm. Nói về tỷ trọng lớn của Petrolimex. Chúng ta đã có sự hiểu lầm lớn, tôi xin cung cấp một số số liệu mà chỉ cần làm phép tính cộng trừ là thấy rõ. Hiện trên tổng số 10.000 cây xăng trên toàn quốc, tổng số cây xăng của Petrolimex chỉ có 1.995, chiếm khoảng gần 20%. Còn lại, Petrolimex chiếm khoảng 40% số đại lý trên thị trường. Như vậy, Petrolimex chỉ có ưu thế khoảng trên 20% thị trường mà thôi so với hệ thống bán lẻ. Còn các đại lý có quyền ký với đơn vị khác nếu các đơn vị khác tạo điều kiện thuận lợi cho người ta, ở đây chúng ta cạnh tranh công bằng. Còn nếu có doanh nghiệp không cạnh tranh nổi việc ký với các địa lý thì doanh nghiệp phải tự hỏi tại sao mình không làm được điều đó. Về số liệu thứ 2, nếu lấy số liệu bán của Petrolimex xem xét, sẽ thấy, trong đó, 30% là Petrolimex bán buôn cho các doanh nghiệp, cái này do đấu thầu, ai cũng công bằng như ai. Hệ thống đại lý, tổng địa lý Petrolimex chiếm 45%. 45% này cũng cạnh tranh công bằng. Petrolimex chỉ có lợi thế là có khoảng 20- 25% tự bán thông qua hệ thống của mình. Như vậy, chỉ có thể nói Petrolimex có ưu thế hơn các đơn vị khác trong một số lĩnh vực mà thôi”.

Về thông tin cho rằng Petrolimex tăng giá thì tất cả đều tăng, giảm tất cả cùng giảm, Thứ trưởng đặt câu hỏi: Chúng ta cần suy nghĩ kỹ, với tỷ trọng 60% bán trên thị trường, nếu Petrolimex tăng mà các đơn vị khác không tăng, ai sẽ thiệt hại? Đương nhiên các đơn vị không tăng được lợi, lập tức chiếm hết thị phần, đại lý của Petrolimex. Nếu Petrolimex tăng giá, các đơn vị khác hoàn toàn có thể không tăng nếu không muốn. Ngược lại nếu Petrolimex giảm giá, nếu các đơn vị khác không giảm thì lập tức Petrolimex chiếm hết các đại lý, tỷ trọng. Như vậy, vai trò Petrolimex là vai trò khi Nhà nước cần giảm giá nhiều hơn là tăng. Thực tế trong suốt thời gian vừa qua, Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đều sử dụng Petrolimex để điều tiết giá trong những lúc cần giảm.

Ông Bùi Ngọc Bảo- Tổng giám đốc Petrolimex- cho biết thêm: Những thông tin Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú vừa đề cập đến chính là báo cáo của chúng tôi lên liên Bộ, cũng là kết quả giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước trong những năm qua. Nhưng phải nói thêm là tỷ trọng thị trường của Petrolimex không phải là đều như nhau ở các vùng. Ở các vùng có cạnh tranh cao như Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh thì thị phần của Petrolimex chỉ trên dưới 40%. Nhưng ở các vùng như Sơn La, Lai Châu, Tây Nguyên thì có nơi thị phần của chúng tôi gần như 100%. Ở đó, chúng tôi chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chính chị, chi phí không đủ để cho các doanh nghiệp có lãi.

Trước ý kiến cho rằng nên sửa Nghị định 84 theo hướng không giao quyền quyết giá xăng dầu cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết: Theo tôi, trong lộ trình thị trường hóa giá xăng dầu cũng như một số mặt hàng nhà nước quản lý khác, chúng ta đã đi qua một chặng đường khá dài, từ Quyết định 187 đến Nghị định 55. Nghị định 84 là một bước tiến bộ so với Nghị định 55, Nghị định 84 đã mở ra quyền tự chủ cho các doanh nghiệp trong phạm vi nhất định. Chúng ta còn phải tiếp tục lộ trình này vì định hướng lớn của nhà nước là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Muốn xây dựng kinh tế thị trường như vậy thì các mặt hàng phải theo cơ chế thị trường. Chúng ta không thể đi giật lùi khỏi định hướng lớn đó của Đảng, Nhà nước. Nếu mỗi lần khó khăn mà đi giật lùi thì không bao giờ có thể đi tới đích.

Thanh Hương (lược ghi)

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội